Cuối năm ngoái, Ecovacs phát đi thông báo sẽ chặn các model robot hút bụi nội địa khi sử dụng bên ngoài thị trường Trung Quốc, giải pháp được Ecovacs đưa ra là không cho phép sử dụng và ghép nối ứng dụng với robot. Thời điểm đó, Ecovacs chưa có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, việc quản lý chủ yếu phụ thuộc vào các đơn vị phân phối và các nhà bán lẻ uỷ quyền.
Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, các cửa hàng bán robot hút bụi Ecovacs phiên bản nội địa vẫn có thể "lách luật" việc chặn ứng dụng, tiếp tục phân phối các model robot nội địa tới người dùng mặc cho các nguy cơ bảo mật tiềm ẩn.
Tới nay, nhận thấy tình trạng phân phối tràn lan các model nội địa chưa được xử lý triệt để, Ecovacs đã có động thái mạnh tay hơn.
Chặn triệt để từ tháng 7/2023
Trước tình trạng các sản phẩm không chính hãng của Ecovacs được bày bán tại Việt Nam, bao gồm sản phẩm gắn mác nội địa, trưng bày, nhập khẩu không chính ngạch, đại diện Ecovacs tuyên bố sẽ xử lý triệt để vấn đề này.
Cụ thể, đại diện Ecovacs xác nhận thông tin không hỗ trợ dùng ứng dụng cho các sản phẩm nội địa Trung Quốc với các thị trường quốc tế từ tháng 12/2022 và chặn triệt để với cả các ứng dụng "lậu" từ tháng 7/2023. "Các sản phẩm được hãng phân phối ra thị trường quốc tế, như với Việt Nam đều được tối ưu ứng dụng cho cho phù hợp với người dùng tại nước đó. Các sản phẩm gắn mác nội địa, trưng bày, nhập khẩu không chính ngạch về Việt Nam không đảm bảo chất lượng, bị hạn chế ứng dụng, không được bảo hành đúng quy trình dẫn tới ảnh hưởng uy tín của hãng tại Việt Nam", ông Chris Ma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Ecovacs nói.
Lý giải cho việc mặc dù đã đưa ra cảnh báo chặn ứng dụng đối với các sản phẩm không chính thức bán tại thị trường Việt Nam nhưng các gian thương vẫn có thể bán sản phẩm cho khách hàng một cách bình thường, đại diện Ecovacs nhận định là do một hình thức lách luật.
Cụ thể, một số tổ chức bán hàng đã sử dụng thủ thuật để có thể kết nối robot bản nội địa tới ứng dụng tuỳ chỉnh của Ecovacs nhằm qua mặt biện pháp chặn theo khu vực. Để làm được điều này, người dùng bắt buộc phải về một tệp ứng dụng từ nguồn không chính thức và cài đặt lên điện thoại, tiềm ẩn cực kỳ nhiều rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu bởi khách hàng không thể biết được bên trong ứng dụng "lậu" đấy, các gian thương đã thao tác những gì. Giải pháp này đã giải quyết vấn đề "chặn ứng dụng" trong suốt 8 tháng vừa qua.
Ecovacs khuyến cáo khách hàng tại Việt Nam chỉ nên mua các sản phẩm chính hãng tại các nhà phân phối uỷ quyền, các chuỗi siêu thị điện máy lớn như FPT Shop, Điện Máy Xanh, CellphoneS, Hoàng Hà, Nguyễn Kim... Đây đều là các kênh phân phối uy tín và sẽ được hỗ trợ bảo hành khi gặp sự cố.
"Tiền mất tật mang" khi mua phải hàng xách tay
Anh H.Đ, sau khi tham khảo giá bán của model Ecovacs X1 Omni tại một số cửa hàng đã quyết định mua model này tại một cửa hàng chuyên phân phối hàng xách tay. Lý do được anh đưa ra là bởi tại đây giá bán của chiếc X1 Omni rẻ hơn từ 4 - 5 triệu đồng so với các phiên bản quốc tế bày bán tại các cửa hàng khác.
Lúc chọn mua, phía cửa hàng đã tư vấn cho anh rằng 2 phiên bản xách tay và quốc tế là giống hệt nhau, sử dụng hoàn toàn bình thường, anh sẽ được nhân viên cài đặt ứng dụng tận nhà và sử dụng một tài khoản do chính thức cửa hàng cung cấp, chứ không sử dụng tài khoản cá nhân. Phía cửa hàng còn mồi chào anh bằng hình thức đổi mới 30 ngày và bảo hành 12 tháng.
Sau khi sử dụng được 2 tuần, ứng dụng mà cửa hàng cài đặt cho anh lên điện thoại thông báo không thể kết nối tới robot. Anh H.Đ gọi lên cửa hàng để phản ánh thì phía cửa hàng đưa ra lý do "hệ thống bên Trung Quốc đang cập nhật". Tuy nhiên sau 2 tuần nữa thì anh vẫn không thể sử dụng được ứng dụng. Lúc này anh H.Đ có yêu cầu trả hàng thì cửa hàng đã viện đủ lý do để từ chối, cho rằng "đây là lỗi phần mềm, không phải lỗi phần cứng".
Ảnh chụp màn hình ứng dụng Ecovacs hiện cảnh báo không hỗ trợ thiết bị tại khu vực hiện tại
Trao đổi với anh H.Đ về tình trạng của chiếc robot Ecovacs phiên bản nội địa, cũng như phương hướng xử lý, anh cho biết anh dự định rao bán lại chiếc robot này với giá rẻ hơn khoảng 3 - 4 triệu đồng so với thị trường, nhưng bản thân cửa hàng cũng đã tự giảm giá các model này kể từ khi có thông báo Ecovacs sẽ giải quyết triệt để tình trạng bán hàng xách tay. Bởi vậy anh rất khó để "thanh lý" chiếc máy này và buộc phải sử dụng nút bấm trên thân robot mới có thể sử dụng được. Toàn bộ tính năng như vẽ bản đồ, camera điều khiển từ xa, đặt lịch hút bụi... đều vô dụng khi không có ứng dụng ghép nối.
Anh H.Đ cũng cho biết thêm việc sử dụng tài khoản có sẵn của cửa hàng khiến anh cảm thấy lo lắng bởi anh không thể đổi mật khẩu được, cũng như không thể sử dụng tài khoản cá nhân của mình, bên cửa hàng có toàn quyền truy cập vào tài khoản này và có thể xem được dữ liệu từ camera của chiếc robot, từ đó tiềm ẩn khả năng bị theo dõi từ xa. Chưa kể do là phần mềm lậu, anh cũng lo ngại các vấn đề về mất cắp dữ liệu, thông tin cá nhân hay các giao dịch ngân hàng, nên anh đã xoá hẳn ứng dụng để yên tâm hơn.
Mặc dù chưa có thông tin chính thức, tuy nhiên Ecovacs đang có dự định tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam trong tháng 9 tới đây. Đây cũng là một động thái tích cực của Ecovacs quyết tâm xử lý triệt để tình trạng hàng xách tay và chính hãng phân phối lẫn lộn. Trên thực tế, Ecovacs không phải là thương hiệu đầu tiên có những động thái mạnh tay trong việc quản lý các sản phẩm chính hãng, trước đó, 2 thương hiệu khác là Roborock và Dreame cũng đã có những giải pháp tương tự ngăn chặn việc sử dụng các model nội địa bên ngoài thị trường Trung Quốc.