Bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc hiếm, bệnh nhân nguy kịch vẫn phải... chờ!
Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai - cơ sở y tế đầu ngành về điều trị ngộ độc cho thấy, tại đây đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất. Điều này đã khiến cho tính mạng nhiều bệnh nhân trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”.
Mới đây, bệnh nhi nam T.Q.T. (Bắc Ninh) hôn mê, liệt rất nặng do rắn cạp nia cắn. Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc, những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy từ 2 tuần đến một tháng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ: "Những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này phải thở máy từ hai tuần đến một tháng. Trong khi đó nếu có thuốc thì chỉ cần 2-3 ngày, người bệnh có thể ra viện".
Trung tâm cũng đang điều trị hai bệnh nhân ngộ độc asen - một loại chất rất độc hại. Họ đã được sử dụng hai loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này có tác dụng phụ và gây dị ứng nghiêm trọng. Hiện không có thuốc giúp đào thải asen khỏi cơ thể hai người bệnh.
"Có những loại thuốc tốt hơn nhưng bệnh viện không thể mua ngay để điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, các thuốc giải độc cơ bản nhất cho nhóm bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, ngộ độc cồn công nghiệp methanol... hiện nay cũng thiếu", bác sĩ Nguyên nói.
Theo tìm hiểu, Trung tâm Chống độc Bạch Mai là một trong hai đơn vị đầu ngành về điều trị ngộ độc của cả nước, với khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị mỗi năm, đa số bị triệu chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Đơn vị này từng cấp cứu nhiều ca ngộ độc đặc biệt, phức tạp như hóa chất bảo vệ thực vật, rắn độc cắn, ong đốt, nấm độc, thực vật độc...
Theo bác sĩ Nguyên, thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Thuốc có thể làm đảo ngược tình trạng ngộ độc nặng để nhanh chóng trở về trạng thái bình thường, cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp điều trị có thể để giúp bệnh nhân nhưng hiệu quả rất hạn chế. Chúng tôi rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh.
BS.Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, nếu trước đây, bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy. Bệnh nhân đành phải chờ đợi thầu, chờ đợi các thủ tục và hệ quả là bệnh nhân bị tổn thương não, khả năng tử vong cao.
Liên quan đến vấn đề thiếu một số thuốc giải độc tại một số bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều Bệnh viện khác.
"Thuốc giải độc là các thuốc đặc biệt, hiếm, các doanh nghiệp không muốn nhập về vì lợi nhuận thấp. Chưa kể thuốc có hạn sử dụng, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan cần để sử dụng thuốc giải độc, có khi vài năm mới gặp một vụ ngộ độc hiếm cần đến thuốc nên các bệnh viện không thể dự trữ được", ông Cơ nêu thực trạng.
Vì vậy, khi có ca bệnh cấp cứu phải dùng thuốc hiếm sẽ rất khó. Đơn cử, vụ hàng loạt bệnh nhân ngộ độc pate chay năm 2020, Việt Nam không có sẵn thuốc giải độc, phải nhờ đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ thuốc.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc, đồng thời có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối khi cần.
Tình trạng này cũng xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) - đơn vị chống độc hàng đầu ở phía Nam. Nơi đây đang thiếu thuốc kháng nọc rắn, thuốc thải các loại độc kim loại nặng như thủy ngân. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, đây là những thuốc nhập khẩu nước ngoài, khan hàng từ lâu do khó khăn về nguồn cung ứng."Các loại thuốc giải độc thường gặp khác vẫn cơ bản đáp ứng điều trị, thỉnh thoảng thiếu hụt nhưng sau đó bệnh viện xoay xở có được trong thời gian ngắn", bác sĩ Hùng nói.
Kiến nghị Bộ Y tế thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm
Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là các thuốc rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế.
Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.
Qua tìm hiểu, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược luôn ưu tiên giải quyết.
Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Để giải quyết tình trạng này, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Bộ Y tế thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Lý do là số lượng bệnh nhân cần điều trị rất ít ỏi nhưng vẫn cần phải có dự trữ thuốc sẵn sàng khi có ca bệnh. "Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc như Bạch Mai, Chợ Rẫy hoặc bệnh viện ở Đà Nẵng... và điều phối đến các cơ sở y tế toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng", ông Cơ đề xuất.
Đồng quan điểm, GS-TS Lê Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Bệnh viện E - cho rằng: "Có một số loại thuốc không có lời lãi gì trong kinh doanh, không được ai quan tâm, các doanh nghiệp không mặn mà gì nhưng bắt buộc phải có và liên tục phải có, hết hạn thì buộc phải bỏ đi. Nhiều năm nay vấn đề này đã xảy ra và vẫn xảy ra, những loại thuốc mà bệnh nhân "không có là chết" nhưng vẫn thiếu. Vấn đề này, theo tôi là cần có một chiến lược tầm quốc gia, để giải quyết vấn đề cho tất cả các bệnh viện trên cả nước mỗi khi thiếu các loại thuốc hiếm để cứu chữa người bệnh".
Trả lời báo chí, Bà Đào Hồng Lan - Quyền bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc giải độc ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược có giải pháp hỗ trợ và cung cấp đủ thuốc cho Trung tâm Chống độc của bệnh viện này.
Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nhìn nhận thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là rất hiếm, nhu cầu sử dụng rất ít và được chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Các thuốc này cũng không sẵn có về nguồn cung ứng trên thế giới.
"Để đảm bảo có thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở y tế phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc", đại diện Cục Dược đề nghị.
Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Dược sẽ ưu tiên giải quyết. Trước đó, Cục Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị nhập khẩu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
"Để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm, đảm bảo nhu cầu điều trị", đại diện Cục Quản lý Dược nói.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4. Tại Hà Nội, các bệnh viện thiếu vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; Tp.HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch hai năm qua, quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế gian nan cũng tác động lớn đến nguồn cung thuốc.
Nhiều trường hợp tử vong, nguy kịch vì thiếu huyết thanh
Khoảng giữa tháng 8/2022, bé trai ở Bình Dương bị con rắn độc dài 1 mét cắn vào đùi và lâm dần vào nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhi bị rắn cạp nia cắn nhiễm độc nặng.
Nhưng thời điểm đó, tất cả các bệnh viện khu vực phía Nam không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đơn giá để điều trị đặc hiệu. Bệnh nhi được thở máy, điều trị hỗ trợ kháng sinh, vệ sinh vết rắn cắn và dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đa giá (trong đó có kháng nọc rắn cạp nia) để điều trị cho bé, may mắn bệnh nhi qua nguy kịch.
Không may mắn như trường hợp trên, một bệnh nhi 4 tuổi ở Phú Yên đã tử vong vào tháng 5/2022 sau khi bị rắn cạp nia cắn. Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 2h30 sáng 16/5, các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, cơ sở y tế này không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên phải liên hệ một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh vẫn không có. Do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã xin về, bệnh nhi tử vong sau đó.
Một trường hợp khác, bé trai 3 tuổi được chuyển từ Củ Chi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) tử vong thương tâm do bị rắn cắn.Bệnh nhi chơi với một con rắn hoa cổ đỏ (đã được cắt hết răng, nhưng vẫn còn răng hàm trong) và bị cắn vào mu bàn tay.
M.Vy (Tổng hợp từ Đại Đoàn Kết, Dân Trí, Lao Động, Quân đội Nhân dân, Sức khỏe & Đời sống, Vietnamnet)
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/thieu-thuoc-hiem-benh-nhan-nguy-kich-van-phai-cho-bo-y-te-noi-gi-a2137.html