Ngày 8-9, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với UBND TP HCM tổ chức diễn đàn du lịch cấp cao "Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững." Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM năm 2022.
Kém cạnh tranh vì visa?
Dù thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có TP HCM, đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng nhiều đại biểu tham dự diễn đàn nhìn nhận chưa đạt như kỳ vọng. Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm nay đòi hỏi những chiến lược, giải pháp đột phá. Trong đó, visa tiếp tục được đánh giá là rào cản cần sớm tháo gỡ nhằm tạo cú hích mới cho du lịch Việt Nam.
Ông Martin Koerner - Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn (EuroCham) - cho rằng một trong những yếu tố chính để thu hút khách du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng và giải trí) là chính sách visa. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, chính sách visa nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã tăng dần miễn - giảm visa để cải thiện khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và tăng dòng chảy du lịch quốc tế.
Công ty du lịch trao đổi với người mua quốc tế tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM 2022. Ảnh: BÌNH AN
Theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia du lịch, chính sách miễn visa 15 ngày hiện không còn phù hợp. Việt Nam đang cạnh tranh mạnh mẽ với các nước phát triển du lịch ở Đông Nam Á để thu hút các thị trường du lịch chi tiêu cao. Vừa qua, Thái Lan đã công bố chiến lược miễn visa cho khách từ 30 - 45 ngày và có thể kéo dài trong nhiều tháng cho du khách đến từ 60 quốc gia.
"TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp Bộ VH-TT-DL xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển du lịch, trong đó có chính sách về visa cho khách quốc tế đến Việt Nam" - bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu.
Muốn thành mũi nhọn phải đột phá
Câu chuyện sớm gỡ vướng cho visa để thu hút khách quốc tế cũng được các tổng biên tập cơ quan báo chí trung ương và địa phương nêu lên tại chương trình gặp gỡ các tổng biên tập, do Sở Du lịch TP HCM và Tổng cục Du lịch tổ chức chiều cùng ngày.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phân tích sau dịch Covid-19, thói quen du lịch của du khách thay đổi. Các nước đã chuẩn bị chiến dịch rầm rộ quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế trở lại, nhất là Thái Lan. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam cần có kế hoạch đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách quốc tế, trong đó quan trọng là tháo gỡ rào cản về visa, nhất là những thị trường trọng điểm.
"Các nước trong khu vực đã, đang làm những chiến dịch quảng bá rất tốt. Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược truyền thông mang tầm quốc gia, tăng cường truyền thông quốc tế để thu hút khách quốc tế, với sự tham gia đồng hành của các cơ quan báo chí trung ương và TP HCM. Du lịch là ngành công nghiệp không khói nên cùng đồng hành, nỗ lực để tạo ra sự đột phá mạnh mẽ" - nhà báo Tô Đình Tuân nói.
Theo nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cần xác định điểm nghẽn của du lịch Việt Nam là câu chuyện visa. Du khách quốc tế còn gặp khó khi xin visa, còn những quốc gia được miễn thì thời gian có hiệu lực 15 ngày cũng là ngắn, chưa thu hút khách quốc tế lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
"Chính sách visa cũng cần phải lưu ý mở rộng quốc gia được áp dụng chính sách miễn thị thực bởi du khách sẽ chọn những điểm đến dễ vào, thân thiện trước. Các cơ quan chức năng, ngành du lịch và các địa phương có nguồn khách quốc tế tới đông cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để thay đổi chính sách visa theo hướng tích cực hơn" - ông Lê Thế Chữ nói.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo phù hợp xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.
"Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Nhưng đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, ngành du lịch cần tiếp tục có định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan" - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nói.
Ngành du lịch không thể đơn độc
Phát biểu tại diễn đàn du lịch cấp cao "Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Bộ VH-TT-DL cần chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ cụ thể những khó khăn, vướng mắc, chứ không chỉ nêu khó khăn.
"Trong lúc chưa sửa được luật thì xin làm thí điểm, chưa làm được toàn quốc thì làm ở những vùng, những nơi có thế mạnh, trọng điểm về du lịch. Có rất nhiều việc không chỉ ngành du lịch làm được như về giá điện, chính sách khuyến khích về thuế, đất đai, cấp visa nhập cảnh... nên rất cần sự chung tay của các bộ, ngành" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/can-cu-hich-moi-de-keo-khach-quoc-te-a1665.html