Thực hiện chính quyền đô thị ở TP HCM: Chưa như mong đợi

Bên cạnh những thuận lợi về phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, việc tổ chức chính quyền đô thị ở một số nơi tại TP HCM còn gặp nhiều khó khăn

Ngày 6-9, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP HCM do Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM đối với quận 8.

Phát huy tính tự chủ

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 8 Nguyễn Thanh Sang cho biết qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 131, quận đã đạt được nhiều kết quả. Kết quả nổi bật là phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ và quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm. Đến nay, đa số cán bộ được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng, cơ bản làm tốt nhiệm vụ được giao.

Theo ông Sang, trách nhiệm và áp lực công việc của các cơ quan chuyên môn và UBND 16 phường trong việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và ở địa phương ngày càng cao, đặt ra vấn đề phải nâng chất lượng nguồn nhân lực. "Tuy nhiên, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách chưa có nhiều thay đổi so với trước khi thực hiện chính quyền đô thị. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước thay đổi theo hướng điều chỉnh tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế làm tăng trách nhiệm và áp lực tham mưu của các cơ quan chuyên môn" - ông Sang nói.

Thực hiện chính quyền đô thị ở TP HCM: Chưa như mong đợi - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát quận 8

Bà Nguyễn Thị Lệ cho hay trong đợt giám sát lần này, HĐND thành phố thực hiện giám sát thực tế tại UBND TP Thủ Đức, quận 3, 8, 10, Gò Vấp. Các đơn vị còn lại sẽ tiến hành giám sát qua báo cáo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 8 cũng nhìn nhận quận gặp không ít vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị trong các lĩnh vực về tài chính, ngân sách, đầu tư công, nội vụ, tư pháp... Từ đó, ông Sang kiến nghị UBND thành phố đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cho các phường trên địa bàn thành phố nói chung và quận 8 nói riêng, phù hợp với quy mô dân số của từng địa phương. Đồng thời, kiến nghị bộ, ngành trung ương hướng dẫn quy trình cho phép UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc như cấp ngân sách trước đây. Điều này nhằm bảo đảm tính chủ động, kịp thời cho UBND quận trong công tác điều hành ngân sách.

Còn nhiều vướng mắc

Tại buổi giám sát, đa số đại biểu cho rằng việc phân bổ cán bộ, công chức UBND các phường khi thực hiện chính quyền đô thị bình quân thấp hơn so với trước, chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số và đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý hạ tầng cơ sở trên địa bàn. Những vấn đề này ảnh hưởng đến công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thực hiện các biểu mẫu giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện liên quan lĩnh vực đất đai như cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình/cá nhân; thông báo thu hồi đất... theo quy định của Luật Đất đai thuộc thẩm quyền chung của UBND quận, song khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng nên thể thức ký thay mặt không còn phù hợp…

Kết luận tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố ghi nhận những kết quả mà quận 8 đạt được khi thực hiện Nghị quyết 131. Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND quận 8 đánh giá toàn diện về việc thực hiện Nghị quyết này tại địa phương, trong đó bao gồm những nội dung còn hạn chế, chưa thực hiện được hoặc chưa thực hiện đầy đủ.

Bên cạnh đó, cần phân tích và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan để làm cơ sở xây dựng, đề xuất cơ chế mới phù hợp quá trình thực hiện chính quyền đô thị tại địa phương. Trong đó, từng lĩnh vực cần phải được phân tích kỹ mặt được, mặt chưa được, nội dung cần điều chỉnh.

Ngoài việc đề nghị quận 8 quan tâm đến công tác cán bộ của địa phương, đơn vị, không để tình trạng cán bộ làm việc ở một vị trí quá lâu vì sẽ dẫn đến trì trệ việc chung của cả bộ máy chính quyền, Chủ tịch HĐND TP HCM còn cho biết thêm: Nghị quyết 131 đã triển khai gần 2 năm, trong quá trình thực hiện đâu đó sẽ có những khó khăn, vướng mắc bước đầu. HĐND thành phố xác định một trong những nội dung trọng tâm của giám sát trong năm 2022 là đánh giá một cách toàn diện việc triển khai Nghị quyết tại các cơ quan, địa phương.

Quản lý, điều hành ngân sách gặp khó

Cùng ngày, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP HCM do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, làm trưởng đoàn đã có cuộc giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 131 đối với quận 3.

Bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy đồng thời bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết quận còn gặp một số khó khăn. Đó là công tác quản lý, điều hành ngân sách không đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương. Nguyên nhân là do quận, phường không còn là một cấp ngân sách theo quy định Nghị quyết 131 và Nghị định 33 của Chính phủ.

Đặc biệt, nếu phát sinh các nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì thủ tục khá phức tạp. Quận phải báo cáo Sở Tài chính trình UBND TP HCM rồi UBND thành phố báo cáo và trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Điều này không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho quận, phường thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về an sinh xã hội...

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/thuc-hien-chinh-quyen-do-thi-o-tp-hcm-chua-nhu-mong-doi-a1488.html