Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào Đại tướng Chu Huy Mân luôn thể hiện là người đảng viên kiên trung, một cán bộ cần mẫn, nhà lãnh đạo tài năng, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Quyết đoán, dám chịu trách nhiệm
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, được soi rọi bởi con đường cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, người thanh niên Chu Văn Điều (tức Chu Huy Mân) sớm bước vào con đường tranh đấu, 17 tuổi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng với lời thề: "Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng".
Tâm nguyện thiêng liêng trước lá cờ Đảng đã trở thành động lực để đồng chí vượt qua mọi thử thách, gian nguy, ngày càng được tôi luyện, trưởng thành, nhanh chóng trở thành một cán bộ ưu tú, kiên trung của Đảng, của dân tộc.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân gắn liền với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đội phó đội tự vệ đỏ của xã, được bầu làm Bí thư Huyện ủy lúc mới 23 tuổi đời, 6 năm tuổi Đảng. Được thử thách, rèn luyện trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí đã sớm bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng.
Hòng khuất phục người đảng viên trẻ tuổi, thực dân Pháp bắt giam, đày đồng chí lên tận Tây Nguyên, nơi rừng thiêng nước độc để làm nhụt ý chí đấu tranh. Tuy vậy, với bản lĩnh kiên cường, đồng chí Chu Huy Mân đã vận động các bạn tù chính trị biến nhà tù thành trường học cách mạng, dũng cảm vượt ngục trở về tham gia lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền ở Quảng Nam thắng lợi.
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Đại tướng Chu Huy Mân luôn có mặt ở những chiến trường nóng bỏng, những thời điểm đầy cam go, thử thách.
Luôn giữ vững lập trường, ý chí tiến công, kịp thời đưa ra những quyết định đúng đắn, tạo nên những thắng lợi quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã khắc họa nên hình ảnh của người cộng sản Chu Huy Mân, người lãnh đạo, người chỉ huy mẫu mực về phong cách sâu sát thực tiễn, sáng tạo và quyết đoán, dám chịu trách nhiệm.
Dù ở bất cứ cương vị nào, từ Trung đoàn trưởng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí luôn giữ nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chan hòa, gắn bó với đồng đội và nhân dân, luôn nghiêm khắc với chính mình, dành cho đồng chí, đồng đội, người thân tình cảm thân thương, trìu mến.
Cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân; là người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Một tấm gương "Dĩ công, vi thượng".
Đại tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984). Ảnh: TTXVN
Vị tướng tài ba
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí sớm tỏ rõ tài năng quân sự của mình, trên cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn 72, 74, Chính ủy Trung đoàn 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công trên đường số 4, góp phần biến con đường xương sống trong phòng tuyến biên thùy của địch, trở thành nỗi ám ảnh, là "con đường tử địa" của chúng.
Đồng chí đã chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông (1947), Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Điện Biên Phủ (1954),... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Phó Bí thư Khu ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh kiêm Phó Chính ủy Quân khu 5, Đại tướng Chu Huy Mân đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, lãnh đạo quân và dân trên địa bàn lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của Mỹ ngụy, đưa Khu 5 "đi đầu diệt Mỹ" với những chiến công vang dội như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng.
Nơi đây đã ghi dấu ấn của nhà lãnh đạo, chỉ huy Chu Huy Mân với những thắng lợi mang tầm chiến lược như Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Cấm Dơi - Quế Sơn (1972), Nông Sơn - Thượng Đức (1974), Đà Nẵng (1975)..., góp phần cùng quân dân cả nước "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với vốn kiến thức sâu rộng, tư duy nhạy bén, kinh nghiệm cả về quân sự và chính trị dạn dày trong những năm tháng chiến tranh, đồng chí đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Campuchia...
Là vị tướng tài ba, văn võ song toàn, Đại tướng Chu Huy Mân đã có những cống hiến to lớn trên lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò, đề ra nhiều biện pháp quan trọng nâng cao hiệu lực của công tác Đảng, công tác chính trị.
Đặc biệt, đồng chí hết sức quan tâm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; bảo đảm cho quân đội thực sự là "tổ chức quân sự của Đảng", có "con đường chính trị đúng đắn", sẵn sàng hy sinh, chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hình ảnh về vị tướng trung kiên bất khuất, "Văn võ cơ mưu. Chuyên gia túc trí", mãi là tấm gương sáng luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng; đoàn kết thống nhất, ra sức học tập, rèn luyện, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội; quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân
Chiều 16-3, Đoàn Đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân tại Khu lưu niệm Đại tướng ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân trong phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Học sinh xem hiện vật trưng bày tại triển lãm về Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: BÍCH VÂN
Sáng cùng ngày, tại TP Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu V tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề "Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam". Triển lãm giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về truyền thống quê hương, gia đình và những hoạt động của Đại tướng Chu Huy Mân. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 30-4.
B.T.L - B.Vân
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/110-nam-ngay-sinh-dai-tuong-chu-huy-man-1731913-1732023-nha-chinh-tri-quan-su-xuat-sac-a14573.html