Có thể khẳng định không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì sẽ không có Chiến thắng Điện Biên Phủ - lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu - năm 1954, không có Chiến thắng 30-4-1975 hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và Việt Nam cũng không thể có cơ đồ và vị thế trên trường quốc tế như hiện nay.
"Đem sức ta mà giải phóng cho ta"
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có nhiều cột mốc quan trọng, trong đó Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được coi là một mốc quan trọng nhất. Theo đánh giá của nhà sử học người Pháp Charles Fourniau, "Cách mạng Tháng Tám được coi là tiêu điểm của thế kỷ XX". Đây là sự kiện vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương còn rất non trẻ, chỉ 15 năm kể từ sau ngày thành lập, nhân dân Việt Nam đã đập tan được ách thống trị kéo dài hơn 80 năm của thực dân Pháp và của phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế đã từng ngự trị gần một ngàn năm trên đất nước Việt Nam, thành lập một nhà nước thực sự "của dân, do dân, vì dân", giành lại tên Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã thành chủ nhân của đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trên bình diện quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - đã khẳng định "Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở thành một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới".
Trong phong trào giải phóng dân tộc thế giới, Việt Nam tuy là một nước nhỏ nhưng đã "đem sức ta mà giải phóng cho ta", giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, vì thế, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng, khích lệ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới vì độc lập, tự do và dân chủ.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Ảnh: Tư liệu
Đại đoàn kết dân tộc: Cội nguồn của sức mạnh
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta trong việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chuẩn bị cho sự thành công của cách mạng, Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn thấm nhuần tư tưởng "đại đoàn kết dân tộc", coi đấy là cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Nhằm huy động tối đa sức mạnh của tất cả mọi tầng lớp, giai cấp, lực lượng, không phân biệt thành phần xuất thân, dân tộc, tôn giáo... miễn là người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp chung, ngày 19-5-1941, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.
Việt Minh là một tổ chức quần chúng hết sức rộng rãi, tập hợp thành viên là các tổ chức quần chúng yêu nước, chống đế quốc mang tên là các cứu quốc hội, như: Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội, Phụ nữ cứu quốc hội, Việt kiều cứu quốc hội, Phật giáo cứu quốc hội... Trong bản Tuyên ngôn của Việt Minh được công bố vào ngày 25-10-1941 đã nói rõ "Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn". Còn trong "Lịch sử nước ta", do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản vào tháng 2-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi "Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!".
Từ chủ trương đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Mặt trận Việt Minh đã góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự tồn tại của Mặt trận Việt Minh trong những năm tháng bản lề của lịch sử dân tộc, trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao nhất nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã trở thành hiện thực và phát huy vai trò mạnh mẽ, đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì lẽ đó, mọi quyết định của Đảng, của Hồ Chí Minh và Việt Minh đều được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh.
Nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, thu hút được sự ủng hộ của những người Việt Nam yêu nước được tổ chức, tập hợp lại dưới ngọn cờ Việt Minh mà chỉ trong thời gian rất ngắn, từ ngày 14-8 đến 28-8, về cơ bản, tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi trên phạm vi cả nước.
Tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy
Phát huy tinh thần đại đoàn kết và những bài học kinh nghiệm trong huy động, tập hợp quần chúng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thấm nhuần tư tưởng "dân làm gốc" trong mọi quyết sách lãnh đạo đất nước. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh".
Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam…". Còn trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng khẳng định cần "Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội".
Có thể thấy, từ bài học thành công của Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, Đảng đã luôn coi trọng tư tưởng "trọng dân", "lấy dân làm gốc" trong hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo của mình.
Việc Đảng khẳng định cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ" chính là nhằm huy động tối đa sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Thiết nghĩ, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay và mai sau, một khi ý Đảng hợp lòng dân thì dù có bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Làm được điều đó cũng chính là một hành động thiết thực nhằm phát huy các giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Còn nguyên giá trị
Có thể khẳng định thông qua Mặt trận Việt Minh, quần chúng nhân dân đã được tập hợp, lôi kéo, tổ chức và phối hợp đấu tranh để hiện thực hóa mọi chủ trương của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/bai-hoc-ve-huy-dong-suc-manh-a1252.html