7 giờ, tôi xuống tới homestay sau chuyến trekking xuyên đêm vào lòng chảo núi lửa Ijen ngắm dòng dung nham xanh. Tắm rửa, ăn sáng xong, tôi lại xuất phát đến Cemoro Lawang, ngôi làng nhỏ nằm ở phía đông bắc núi lửa Bromo. Đây cũng là ngọn núi tôi sẽ trekking trong tối hôm nay.
Quãng đường chỉ khoảng 230 km nhưng là đường núi ngoằn ngoèo nên đến chập tối, tôi mới tới làng. Những nhóm du khách khác thường sẽ chọn các homestay ở làng Cemoro Lawang để nghỉ ngơi. Tầm 2h, họ sẽ dậy để thuê xe jeep lên viewpoint (điểm ngắm cảnh) đón mặt trời mọc.
Ngọn núi cao nhất ngoài xa là núi lừa Semeru. Trong lần phun trào gần nhất vào tháng 12/2021, sự cố đã khiến nhiều người thiệt mạng. |
Bromo là một ngọn núi lửa "trẻ", khá dễ đi nên lượng du khách kéo đến nơi này rất đông. Tuy nhiên, cần nhớ Bromo vẫn còn đang hoạt động mạnh mẽ. Lần gần đây nhất, năm 2019, theo Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia (BNPB), biên độ chấn động của vụ phun trào lên đến 37 mm và kéo dài khoảng 7 phút.
Cuối năm 2015, Bromo cũng bị nâng lên mức báo động 3 sau khi xảy ra liên tiếp các trận động đất. Ngọn núi đã bị phong tỏa trong vòng bán kính 2,5 km. Không một người địa phương hoặc khách du lịch nào có thể đến gần.
Sau 6 năm, Lan Uyên quay lại Bromo để hoàn thành nốt hành trình đang dang dở. |
Giữa năm 2016, tôi cũng đã từng đến Bromo. Những cột khói khổng lồ vẫn đang bốc lên nghi ngút cùng với tiếng ầm ầm như một cỗ máy hoạt động liên tục ngày đêm không nghỉ. Ngay khi vừa leo lên đến miệng, núi lửa bỗng nhiên rung lắc dữ dội với một cơn mưa tro bụi và các vật chất bên trong.
Năm 2004 đã từng có hai du khách thiệt mạng vì bị những tảng đá từ trong núi lửa văng ra trúng. Vì vậy, tôi phải chạy ngay xuống núi khi chỉ mới leo lên đến nơi được 2 phút. Lần này, tôi đã quay trở lại nơi này để thực hiện điều mình khao khát: bước đi chênh vênh trên vành đai núi lửa Bromo.
Núi lửa Bromo nằm trong vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru, với độ cao 2.329 m. Tuy không phải đỉnh cao nhất của quần thể núi xung quanh khu vực nhưng đây là đỉnh nổi tiếng nhất với tầm nhìn tuyệt mỹ. Núi khá dễ leo vì đã được xây dựng 253 bậc thang lên đến miệng.
Trở xuống từ điểm cắm trại, tôi tiếp tục băng qua vài km biển cát để đến chân núi lửa Bromo. Ít ai biết biển cát mọi người đang đi lại chính là một miệng núi lửa khác: Tengger khổng lồ. Bromo chỉ là một trong những núi lửa nhỏ nằm trong hõm chảo của núi lửa Tengger Massif.
Núi lửa Bromo và các núi lửa lân cận trong hõm chảo của núi lửa khổng lồ Tengger nhìn từ đồi Argo Wulan. |
Hõm chảo Tengger rộng đến 16 km, gồm 5 địa tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng lại có một miệng núi lửa. Khoảng 820.000 năm trước, núi lửa Ngadisari phun trào pyroclastic (một loại đá được tạo ra từ bên trong núi lửa) tạo ra núi lửa Tengger.
Những vụ nổ dữ dội sau đó khiến cho Ngadisari sụp đổ. Các dòng chảy dung nham sau khi nguội lại, trải qua hàng vạn năm trở thành bức tường tự nhiên cho ngôi làng Cemoro Lawang trên cao. Bên dưới trở thành một hõm chảo lớn, kiến tạo thêm nhiều ngọn núi lửa nhỏ Bromo, Kursi, Watangan và Widodaren sau khi trải qua vài trận nổ kinh hoàng.
Cách chân núi lửa Bromo tầm 2 km có Pura Luhur Poten, một ngôi đền của Hindu giáo. Cái tên Bromo cũng bắt nguồn từ Brahma, một vị thần của đạo Hindu. Khác với những ngôi đền xây bằng gạch đỏ khác ở Bali thì Pura Luhur Poten lại sử dụng đá đen tự nhiên từ núi lửa xung quanh.
Ngôi đền này là nơi tổ chức lễ Yadnya Kasada hàng năm kéo dài trong khoảng một tháng. Theo truyền thống hiến tế, những người thuộc bộ tộc Tengger từ các ngôi làng ở vùng cao xung quanh núi Bromo sẽ lên lên đỉnh núi để thả dê, gà, trái cây, hoa và rau vào miệng núi lửa với quan niệm: "Nếu chúng ta chăm sóc thiên nhiên, nó cũng sẽ chăm sóc chúng ta".
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/trai-nghiem-buoc-di-tren-mieng-nui-lua-o-indonesia-a125.html