"Độ hot" của ChatGPT vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi trí tuệ nhân tạo (AI) này mau chóng vượt mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu.
Tuy phổ biến nhưng nhiều người vẫn không biết đây là AI hoạt động trên nền web, chưa có phiên bản ứng dụng di động cài trên điện thoại hay các thiết bị cá nhân. Lợi dụng điều này, không ít nhà phát triển độc lập đã "ăn theo" và tạo ra nhiều phiên bản ứng dụng sử dụng từ khóa "ChatGPT" trong tên nhằm "đánh lận con đen", gây nhầm lẫn cho người dùng.
Trên cả 2 kho phần mềm cho smartphone là App Store (iOS) và Play Store (Android), người dùng không khó để tìm chương trình sử dụng tên hoặc biểu trưng (logo) tương tự với OpenAI - công ty phát triển ChatGPT. Số lượng tải về của các ứng dụng này đã lên tới nhiều triệu, trong đó có những app tới hơn một triệu lượt tải về và cài đặt.
Tuy vậy, đây chỉ là những chương trình mạo danh, không phải ChatGPT do OpenAI phát triển mà cả thế giới đang biết đến.
Hàng loạt ứng dụng mạo danh ChatGPT gây nhầm lẫn trên mạng.
Hiện cách duy nhất để người dùng được trải nghiệm trí tuệ nhân tạo của OpenAI là trên nền web, có nghĩa sử dụng trình duyệt trên các thiết bị kết nối Internet để truy cập vào đường dẫn tới giao diện của ChatGPT.
Đáng chú ý, chương trình vẫn chưa hộ trỡ đăng ký tài khoản tại Việt Nam, buộc những người muốn dùng thử phải sử dụng một số biện pháp kỹ thuật để đăng ký. Một phương án khác để có tài khoản là tìm kiếm ở những trang chia sẻ miễn phí trên mạng.
Trở về với loạt ứng dụng mạo danh trên các kho phần mềm di động, nhiều người Việt cũng đã thử tải về và không sử dụng được.
Trong một bình luận để lại ở phần đánh giá chương trình, có người cho biết ứng dụng không thể dùng và còn yêu cầu trả phí trước khi được trải nghiệm. Đây cũng là hiện tượng lừa đảo tiền thường gặp. Theo đó, nhà phát triển sẽ dụ dỗ người dùng trả tiền thuê bao theo chu kỳ (ngày, tuần, tháng hoặc năm). Khi họ chấp nhận thanh toán, gói thuê bao sẽ xác nhận việc tự động gia hạn mà không cần thông báo tới chủ tài khoản. Bằng cách này, lập trình viên của ứng dụng có thể thu tiền trong khi nạn nhân không hay biết và cũng chẳng cần quan tâm họ có sử dụng chương trình hay không.
" Những người tải ứng dụng về máy và đồng ý với hình thức thuê bao có trả phí cần lưu ý liên hệ nhà phát triển hoặc tìm hiểu các gói thuê bao, trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, họ nên hủy gói để tránh mất tiền về sau. Mọi trường hợp xóa ứng dụng mà không hủy thuê bao trước đó đều vô dụng và vẫn mất tiền theo chu kỳ ", chuyên viên an ninh mạng tại một công ty công nghệ ở Hà Nội tư vấn.
Theo tính toán của các hãng phân tích dữ liệu quốc tế, ChatGPT hiện thu hút gần 600 triệu lượt truy cập, đến từ hơn 100 triệu người dùng toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng này được đánh giá là "chưa từng có" đối với một chương trình dành cho người dùng.
Trên thế giới, TikTok - ứng dụng chia sẻ video với sự bành trướng chóng mặt cũng phải mất tới 9 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi ChatGPT là 4 tháng. Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hiện thuộc về Meta (công ty mẹ của Facebook) mất 2 năm để đạt được thành tích trên.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/ung-dung-mao-danh-chatgpt-ngap-tran-nen-tang-di-dong-can-than-mat-tien-oan-a11887.html