Một ngày giữa tháng 11/2022, các nhân viên tại OpenAI nhận được nhiệm vụ bất ngờ: Phát hành một chatbot AI trong 2 tuần. Theo một giám đốc cấp cao, chatbot này được đặt tên là “Chat với GPT – 3.5”, dự kiến cung cấp miễn phí trên toàn cầu.
Thông báo trên khiến một số nhân viên OpenAI bối rối. Gần như cả năm 2022, công ty AI này đã làm việc để phát hành GPT-4, một AI cực kỳ giỏi viết luận, lập trình… Sau nhiều tháng thử nghiệm và tinh chỉnh, GPT-4 gần như đã sẵn sàng. Theo 3 nhân vật nội bộ của OpenAI, kế hoạch của công ty là ra mắt GPT-4 vào đầu năm 2023 cùng một số chatbot cho phép người dùng tự dùng thử.
Tuy nhiên, ban giám đốc OpenAI đã thay đổi kế hoạch. Một số giám đốc lo ngại sẽ bị các đối thủ vượt mặt khi ra mắt chatbot trước GPT-4 và việc sớm ra mắt mô hình ngôn ngữ đời cũ như GPT-3.5 sẽ giúp họ nhận phản hồi, đánh giá từ người dùng để cải thiện phiên bản mới.
Vì vậy, họ quyết định ra mắt trước một chatbot chưa phát hành sử dụng phiên bản cải tiến của GPT-3, mô hình ngôn ngữ ra mắt vào năm 2020 và ChatGPT hện nay. 13 ngày sau, ChatGPT ra đời.
Trong những tháng sau đó, ChatGPT đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người đã sử dụng công cụ này để viết thơ, lập trình ứng dụng và thậm chí là tham vấn tâm lý. Nó còn được các nhà xuất bản tin tức, công ty marketing và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ứng dụng, gây ra một cơn sốt đầu tư mới vào làn sóng AI tiếp theo.
Đồng thời, ChatGPT cũng đã gây ra không ít tranh cãi với việc người dùng phàn nàn rằng ChatGPT có xu hướng đưa ra câu trả lời thiên vị hoặc không chính xác. Một số nhà nghiên cứu nhận xét OpenAI thiếu thận trọng. Nhiều trường học công tại Mỹ đã ra lệnh cấm ChatGPT để học sinh không lợi dụng nó để giúp làm bài tập về nhà.
Nổi tiếng là vậy nhưng đến nay vẫn có rất ít thông tin về nguồn gốc và chiến lược đằng sau ChatGPT. Với nội bộ OpenAI, ChatGPT đã đạt thành công ngoài mong đợi nhưng cũng kéo theo không ít cơn đau đầu.
Trước khi ChatGPT ra mắt, một số nhân viên OpenAI không nghĩ rằng dự án sẽ thành công. Trước đó, một chatbot tương tự do Meta (công ty mẹ Facebook) phát hành đã thất bại chỉ sau 3 ngày ra mắt. Điều đó khiến nhân viên OpenAI cho rằng một chatbot được xây dựng dựa từ 2 năm trước dựa trên AI có vẻ nhàm chán.
Nhưng 2 tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã có hơn 30 triệu người dùng và nhận được khoảng 5 triệu lượt truy cập mỗi ngày. Con số này biến OpenAI thành phần mềm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử. Để so sánh, Instagram mất gần 1 năm để có 10 triệu người dùng đầu tiên.
Chân dung Sam Altman.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng đi kèm với khó khăn. ChatGPT thường xuyên bị quá tải vì phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Trong khi đó, người dùng bắt đầu tìm cách lách luật và vi phạm một số điều khoản an toàn của chatbot này. Sự phổ biến của ChatGPT cũng khiến nhiều đối thủ công nghệ chú ý. Họ chế giễu rằng công nghệ cơ bản của ChatGPT thực ra không có gì mới mẻ.
Ngoài ra, đến nay, ChatGPT vẫn còn là khoản đầu tư tốn kém vì chưa có quảng cáo. Theo một bài đăng của CEO Sam Altman, mỗi cuộc hội thoại OpenAI đều phải tốn phí để vận hành bộ máy và tổng chi phí có thể lên tới hàng triệu USD/tuần. Để bù đắp, công ty đã ra mắt phiên bản ChatGPT Plus thu phí 20 USD/tháng.
Bất chấp những hạn chế còn tồn tại, thành công của ChatGPT đã đưa OpenAI vào hàng ngũ những người chơi quyền lực ở Thung lũng Silicon. Công ty gần đây đã đạt được thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Microsoft. Trong khi đó, Google đã tuyên bố “báo động đỏ” và cầu cứu hai nhà đồng sáng lập đã rời công ty vài năm trước quay trở lại tham gia vào các dự án AI để tăng tính cạnh tranh.
Altman cho biết mục tiêu hiện tại của OpenAI là tạo ra thứ được gọi là “trí tuệ nhân tạo tổng quát” - hay AGI, có khả năng học hỏi tư duy của con người.
Mặc dù vậy, sự thành công nhanh chóng của ChatGPT khiến Altman lo lắng rằng nó sẽ khiến người dùng kỳ vọng quá nhiều vào những phiên bản tiếp theo. Trên Twitter cá nhân, vị CEO đã cố gắng giảm bớt sự phấn khích của người dùng, cảnh báo rằng ChatGPT vẫn còn hạn chế và việc dựa vào nó để làm bất cứ điều gì quan trọng ở thời điểm hiện tại là sai lầm.
Ngoài ra, Altman cũng không khuyến khích nhân viên khoe khoang về thành công của ChatGPT. Vào tháng 12 năm ngoái, vài ngày sau khi công ty thông báo rằng hơn 1 triệu người đã đăng ký dịch vụ, Greg Brockman - chủ tịch của OpenAI, viết trên Twitter rằng ChatGPT đã đạt được 2 triệu người dùng. Sau đó, Altman đã yêu cầu Brockman xóa thông tin trên và nói rằng việc làm đó là không khôn ngoan.
OpenAI là một công ty khác thường, theo tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon. Bắt đầu vào năm 2015 với tư cách là một phòng thí nghiệm nghiên cứu phi lợi nhuận của một nhóm các nhà lãnh đạo công nghệ bao gồm Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman và Elon Musk, nó đã thành lập một công ty con vào năm 2019 và đạt được thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Microsoft. Theo Altman, kể từ đó, đơn vị này đã tăng lên khoảng 375 nhân viên chính thức.
Tại Thung lũng Silicon, Altman đang trở thành tâm điểm mới. Ngoài khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD của Microsoft, anh còn gặp gỡ các giám đốc hàng đầu của Apple và Google trong thời gian gần đây. OpenAI cũng đã ký một thỏa thuận với trang tin BuzzFeed, sử dụng công nghệ của mình để tạo các danh sách và câu đố do AI tạo ra.
Cuộc đua đang AI nóng lên trên toàn cầu. Baidu - gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, đang chuẩn bị giới thiệu một chatbot tương tự ChatGPT vào tháng 3, theo Reuters. Anthropic – công ty AI được thành lập bởi các cựu nhân viên OpenAI, được cho là đang đàm phán gọi vốn 300 triệu USD. Và Google cũng đang chạy đua với hàng chục dự án AI khác nhau.
Sau đó là GPT-4, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay. Khi đó, không loại trừ khả năng ChatGPT sẽ bị lu mờ nhưng có thể, chatbot hiện tại của OpenAI đã quá mạnh mẽ nên sẽ không còn thu hút với người dùng.
Nguồn: NYT