Công nghệ đột phá
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, ChatGPT (Generative Pretraining Transformer) trở thành hiện tượng gây sốt toàn cầu. Đây là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bằng kỹ thuật học tăng cường, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Siêu AI được cung cấp bởi nhà phát triển OpenAI, có thể làm thơ, viết code và trả lời nhiều vấn đề phức tạp từ tổng hợp tin tức đến triết học.
Tuy nhiên, sự tiện dụng của ChatGPT đã đặt ra câu hỏi về việc tạo điều kiện cho thông tin sai lệch và thiếu trung thực trong học thuật. Vì vậy, nhà sản xuất OpenAI đang cố gắng hạn chế tiếng xấu là một “cỗ máy gian lận” bằng một công cụ mới có thể giúp phân biệt đâu là kết quả học thuật do con người hay trí tuệ nhân tạo thực hiện.
Trình phân loại văn bản AI mới được OpenAI ra mắt hôm 1/2 song OpenAI cũng cảnh báo, công cụ mới không phải là hoàn hảo. Ông Jan Leike - người đứng đầu nhóm liên kết của OpenAI - cho biết, phương pháp phát hiện văn bản do AI viết “là không hoàn hảo, đôi khi sẽ có sai sót. Do đó, việc sử dụng công cụ này chỉ để tham khảo”.
Nhiều người trên thế giới bắt đầu thử nghiệm ChatGPT sau khi ứng dụng này ra mắt vào ngày 30/11/2022 dưới dạng ứng dụng miễn phí trên trang web của OpenAI.
Thế nhưng, tại New York, Los Angeles và nhiều khu vực của Mỹ bắt đầu chặn việc sử dụng phần mềm này trong lớp học và trên các thiết bị của trường học. Ông Devin Page - một chuyên gia công nghệ của Học khu Công lập Quận Calvert, bang Maryland, Mỹ - cho biết: “Phản ứng ban đầu của các nhà giáo dục là tìm cách ngăn chặn làn sóng gian lận sẽ xảy ra với ChatGPT. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng, ngăn chặn nó không phải là giải pháp hữu hiệu. Bởi chúng ta không thể cản bước sự phát triển của tương lai”.
“Khó có thể lường trước được những nguy hiểm mà công cụ này gây ra, nhưng chúng ta cũng sẽ không giúp ích được học sinh nếu cấm sử dụng nó (ChatGPT)” - ông Devin Page nói và cho rằng, mọi người rồi sẽ bỏ chặn ChatGPT, đặc biệt là khi công cụ phát hiện mới của OpenAI được tung ra.
Cấm sản phẩm ChatGPT trong nhiều lĩnh vực
Trước sự bùng nổ với hàng triệu người dùng trên thế giới, nhiều nhà xuất bản thể hiện lo ngại ảnh hưởng của Chatbot AI này trong khoa học và học thuật. Trong động thái mới đây, Science đã cập nhật chính sách xuất bản mới, cho biết cấm các tác giả đưa vào bài báo khoa học những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng này cũng không được phép đứng tên tác giả bài báo. Tạp chí Science cho biết việc vi phạm quy định này cũng bị xem là hành vi vi phạm liêm chính khoa học nghiêm trọng tương tự chỉnh sửa kết quả hay đạo văn.
Tổng biên tập tạp chí Science Holden Thorp cho biết, có những tác động nghiêm trọng từ các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ thay đổi giáo dục như thế nào khi chúng có thể viết các bài luận cho sinh viên, giải đáp thắc mắc y học, tóm tắt nghiên cứu. Đáng ngại hơn là những ảnh hưởng trong việc viết bài báo khoa học khi ChatGPT có thể tạo tóm tắt nghiên cứu đủ tốt khiến các nhà khoa học cũng khó phát hiện đó là "tin giả".
OpenAI cũng nhấn mạnh về những hạn chế ở công cụ phát hiện của mình và lưu ý, ngoài việc ngăn chặn hành vi đạo văn, nó có thể giúp phát hiện các chiến dịch thông tin sai lệch và các hành vi lạm dụng AI khác để bắt chước con người.
Các tổ chức giáo dục đại học trên khắp thế giới cũng đã bắt đầu tranh luận về việc sử dụng công nghệ AI một cách có trách nhiệm. Tuần trước, Science Po, một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Pháp, đã cấm sử dụng công nghệ này và cảnh báo, bất kỳ ai bị phát hiện lén lút sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác để tạo ra bài viết đều có thể bị đuổi khỏi Science Po.
Stack Overflow, trang web hỏi đáp dành cho các lập trình viên chuyên nghiệp, cũng đã cấm các kết quả được tạo ra tự động từ ChatGPT vì nhiều kết quả bị sai lệch. Do đó không thể xem ChatGPT là một tác giả một bài nghiên cứu khoa học.
Ở một khía cạnh khác, tại các cuộc gặp gỡ với Giám đốc Điều hành của OpenAI Sam Altman tại California, Bộ trưởng Kinh tế kỹ thuật số của Pháp, ông Jean-Noël Barrot đã tuyên bố rất lạc quan về công nghệ này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông Barrot cũng lưu ý, vẫn còn những câu hỏi về đạo đức cần tìm câu trả lời. Và người sử dụng cần phải hết sức cẩn trọng, coi công cụ này như một loại hình để tham khảo chứ không nên dựa vào đó để thực hiện những quyết định quan trọng.
Giới chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã khẳng định: ChatGPT thường đưa ra những câu trả lời vô nghĩa, hoặc "có vẻ" đúng, nhưng lại hoàn toàn sai. Và ChatGPT không phải là con người nên không thể chịu trách nhiệm cho sự sai sót của mình.
ChatGPT được xây dựng trên 175 tỷ tham số, mỗi tham số có thể được điều chỉnh để cải thiện hiệu suất của mô hình AI. Nó được "đào tạo" trên một lượng lớn dữ liệu và được thiết kế để hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên của con người, cho phép bạn trao đổi với nó giống như bạn đặt câu hỏi cho một người bạn.