Viễn thông bứt phá hay dậm chân tại chỗ?

Kết thúc năm 2022, doanh thu lĩnh vực viễn thông tăng trưởng 1,6% so với năm 2021 nhưng 2/3 doanh nghiệp lớn không đạt tăng trưởng như kế hoạch. Những con số này đặt ra bài toán về hướng phát triển của toàn ngành trong năm 2023. Đó là bứt phá hay dậm chân tại chỗ?

Số liệu cụ thể từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông tăng 1,6%, đạt 138.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 3,8%, đạt 44.500 tỷ đồng so với năm 2021. Tuy nhiên, với riêng từng doanh nghiệp trong ngành thì kết quả lại khác nhau.

Với Tổng công ty Viễn thông MobiFone, không những doanh thu không đạt kế hoạch (ước đạt 28.329 tỷ đồng, tương đương 90% kế hoạch) mà lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 63% kế hoạch (2.713 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021). Kết quả lợi nhuận năm 2022 là thấp nhất trong 5 năm gần đây của MobiFone (năm 2018 đạt lợi nhuận đạt trên 5.900 tỷ đồng, 2019 đạt trên 6.100 tỷ đồng). Tương tự MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng không đạt tăng trưởng doanh thu như kế hoạch, khi hoàn thành 97% kế hoạch (đạt 55.209 tỷ đồng), nhưng vẫn tăng 2% so với năm ngoái; VNPT vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận 4,6% (đạt 6.629 tỷ đồng). Chỉ riêng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đạt tăng trưởng tốt với doanh thu tăng 6,1% (đạt 163.800 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế (đạt 43.100 tỷ đồng), tăng 3%. Đáng chú ý, Viettel nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh năm qua, lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông lớn đều cho rằng, trong các phương án kinh doanh, dù có dự báo những khó khăn, thậm chí cả rủi ro, nhưng vẫn chưa thể lường tới những bất ổn, căng thẳng chính trị, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, như thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ giá leo thang...

Ngoài đối mặt với thách thức chung, các doanh nghiệp viễn thông trong nước còn đối mặt với một số vấn đề nội tại mà theo như Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm là thị trường viễn thông tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh về giá. Cụ thể, các nhà mạng Việt Nam đang trải qua sự tăng trưởng nhanh doanh thu về dữ liệu (data) và dịch vụ số, trong khi doanh thu dịch vụ truyền thống giảm dần. Đơn cử, dịch vụ băng rộng cố định của VNPT năm 2022 mặc dù tiếp tục giữ thị phần số một, nhưng chỉ số doanh thu bình quân trên thuê bao (ARPU) đang giảm. Đây cũng là điều được MobiFone đề cập trong báo cáo kết quả kinh doanh, khách hàng chuyển sang dùng các ứng dụng OTT khiến doanh thu truyền thống sụt giảm mạnh. Và dịch vụ OTT tiếp tục là áp lực giảm doanh thu dịch vụ truyền thống trong thời gian tới, buộc các nhà mạng phải khai thác, đưa ra các sản phẩm mới...

Định hướng năm 2023, ông Huỳnh Quang Liêm phân tích, trong khối các dịch vụ, truyền hình OTT MyTV đang giữ thị phần số một, nhưng theo dự đoán chung về mức chi tiêu trung bình cho mỗi tài khoản truyền hình trả tiền sẽ giảm, thêm vào đó, ngày càng nhiều loại hình cạnh tranh, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới, doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn nhưng linh hoạt... sẽ là thách thức lớn. Vì vậy, VNPT cần áp dụng phân tích dữ liệu, dự báo thuê bao có thể chuẩn bị rời mạng để kiểm soát tỷ lệ hủy; phát triển tốt hơn hệ sinh thái sản phẩm cho hộ gia đình; tiếp tục đầu tư bổ sung năng lực mạng lõi, đường trục, bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Cùng với đó là sự chủ động tham gia chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Lãnh đạo MobiFone cũng cho biết, MobiFone sẽ triển khai các sáng kiến nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển, mở ra không gian mới, tránh phụ thuộc vào viễn thông truyền thống. Cụ thể, MobiFone đầu tư trung tâm dữ liệu, xây dựng hạ tầng số tại Hòa Lạc (Hà Nội)...

Với Viettel, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng cho biết, trong số các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể được đề ra, Viettel sẽ tập trung phát triển các thuê bao số để mang lại nguồn tăng trưởng. Cùng với đó, phát triển hệ sinh thái dịch vụ Viettel Cloud với doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023 là năm đột phá về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giữ vững vị thế là nhà mạng tiên phong về công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa vận hành khai thác...

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, dư địa phát triển viễn thông truyền thống đã bão hòa khi toàn thị trường tăng trưởng chỉ 1,6%. Giữa bối cảnh này, bên cạnh việc cung cấp hạ tầng và các dịch vụ truyền thống, nhà mạng cần chuyển hướng phát triển các dịch vụ mới với dư địa mới!

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/vien-thong-but-pha-hay-dam-chan-tai-cho-a11238.html