Theo Vietnamnet, Nhật Bản có kế hoạch áp thuế phát hành với những công ty cung cấp nền tảng cầu nối giữa người tiêu dùng và các nhà phát triển nội dung thông qua cửa hàng ứng dụng, chẳng hạn như Apple và Google.
Nhật Bản nhiều khả năng sẽ đi theo mô hình của các nước châu Âu trong việc thiết kế hệ thống thu thuế riêng đối với mảng kinh doanh trò chơi điện tử của các gã khổng lồ công nghệ.
Sensor Tower, hãng nghiên cứu Mỹ cho hay, có đến 50% trong số 100 game di động có doanh số cao nhất tại Nhật Bản trong năm 2022 được phát triển bởi các công ty nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất.
Có nhiều trường hợp số tiền thuế đóng bởi người dân Nhật Bản đã không được các công ty phát triển game nộp lại cho cơ quan thuế sở tại. Nguyên nhân là do các công ty game nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ, bởi vậy họ không có văn phòng đại diện tại nước này, gây khó khăn với việc thu thuế của cơ quan chức năng.
Mặc dù giữa chính quyền địa phương và các công ty đã có cơ chế phối hợp, tuy nhiên, tại một số quốc gia, hiệu quả của cơ chế này là không cao.
Theo Dân Việt, Nhật Bản đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào thị trường sách và nhạc trực tuyến do các tổ chức nước ngoài cung cấp trong việc thu thuế tiêu thụ kể từ năm tài chính 2015. Một công ty nước ngoài có doanh thu hàng năm trên 10 triệu Yên (68 triệu USD) tại Nhật Bản cần phải nộp các khoản thuế cần thiết.
Đối với thị trường sách và nhạc trực tuyến, các nhà điều hành nền tảng thường bán những sản phẩm đó và trả các loại thuế bắt buộc. Nhưng các công ty trò chơi ở nước ngoài thường bán sản phẩm của họ thông qua các nền tảng phân phối do các đại gia CNTT điều hành, giúp các nhà phát triển trò chơi dễ dàng thoát khỏi con mắt của cơ quan thuế Nhật Bản.
Nhật Bản rõ ràng đang nhắm đến việc tăng cường thu thuế nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà cung cấp trò chơi di động trong và ngoài nước vào thời điểm ngành công nghiệp này đang bùng nổ.
Đào Vũ tổng hợp
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/cua-hang-ung-dung-phai-dong-thue-phat-hanh-game-di-dong-o-nhat-ban-a11188.html