Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã tuyên bố năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023, là năm dữ liệu số Việt Nam và còn là năm chuyển đổi số sẽ mang lại giá trị thực chất.
Năm về dữ liệu số sẽ tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Việc phát triển dữ liệu số để phục vụ phát triển 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số
Chính phủ số
Sử dụng dữ liệu số để nghe được tâm trạng người dân, mong muốn của xã hội, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến. Dữ liệu số để phục vụ việc quản lý điều hành, ra quyết định của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đưa ra những dự báo phục vụ xây dựng các chính sách mang tính chiến lược của đất nước. Dữ liệu số được mở cho xã hội để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đúng chức năng của một Chính phủ kiến tạo.
Năm 2023, Việt Nam sẽ tăng 6 lần việc cung cấp dữ liệu mở cho người dùng từ 10% năm 2022 lên 60% năm 2023.
Kinh tế số
Khai thác hiệu quả những dư địa phát triển kinh tế mà dữ liệu số có thể tạo ra. Tận dụng thời cơ bùng nổ dữ liệu số để ươm mầm phát triển các doanh nghiệp công nghệ mới, doanh nghiệp kỳ lân, làm động lực cho phát triển kinh tế số. Dữ liệu số cũng sẽ là nguồn tài nguyên phục vụ trực tiếp cho chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm của đất nước như thương mại, công nghiệp, sản xuất hàng hoá…
Xã hội số
Dữ liệu số mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn nhờ thụ hưởng những dịch vụ an sinh xã hội được cung cấp thông minh, hiệu quả, có tính cá nhân hoá cao (giáo dục, y tế, dịch vụ công…). Giúp hình thành những công dân số - nền tảng cốt lõi của một quốc gia số, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội: môi trường, khoảng cách xã hội…
Phát triển hạ tầng dữ liệu số quốc gia
Việc phát triển dữ liệu số Việt Nam còn là thúc đẩy hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương và khuyến khích hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, làm nền tảng cho xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thiện, kiến trúc hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu ở cấp độ quốc gia (NDXP - National Data Exchange Platform) và cấp độ bộ, ngành, địa phương (LGSP - Local Government Service Platform) trong cơ quan nhà nước hình thành mạng lưới quốc gia phục vụ việc liên thông giữa các hệ thống thông tin, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ số, dữ liệu số cho người dân tốt hơn trên không gian số.
Nguồn nhân lực dữ liệu số
Định hướng phát triển nguồn nhân lực trong năm 2023 là tập trung phát triển nguồn nhân lực Data Engineer, Data Analyst và Data Scientist tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và các trường Đại học trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao như Data Scientist. Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại chỗ (in-house) về quản trị dữ liệu số trong khối Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò chủ trì về xây dựng và điều phối thực thi kế hoạch của Chính phủ về phát triển dữ liệu số Việt Nam của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân, xây dựng tiêu chuẩn, ban hành các tiêu chuẩn về dữ liệu; Chủ trì về công tác bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu số; Tăng cường vai trò điều phối về kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp.