Meta, Twitter, Microsoft kiến nghị tòa án xem lại vụ kiện chống thuật toán công nghệ

Một loạt doanh nghiệp, người dùng Internet, học giả và cả các chuyên gia nhân quyền đã ký kiến nghị bảo vệ lá chắn trách nhiệm pháp lý về các thuật toán công nghệ của Big Tech.

Trong một kiến nghị gửi đến Tòa án tối cao Mỹ về thuật toán công nghệ, các doanh nghiệp lập luận: việc loại trừ các công cụ do AI điều khiển khỏi các biện pháp bảo vệ pháp lý của liên bang sẽ gây ra những thay đổi sâu rộng đối với mạng Internet mở.

Vụ kiện chống thuật toán công nghệ

Câu chuyện bắt nguồn từ sự kiện Nohemi Gonzalez - một nữ sinh viên ngành thiết kế ở Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11-2015. Gia đình cô đã đệ đơn kiện Google lên tòa án bang San Francisco. Họ cho rằng công ty này vi phạm luật chống khủng bố của Mỹ và yêu cầu đền bù thiệt hại.

Cha của nạn nhân cũng kiện Facebook và Twitter. Trong đơn kiện, ông Gonzalez cáo buộc các nền tảng mạng xã hội này đã "cố ý cho phép" các nhóm IS phát tán và truyền bá tư tưởng cực đoan, gây quỹ và tuyển mộ tân binh chiến đấu cho chúng thông qua các mạng xã hội này.

Trước bối cảnh trên, bản kiến nghị xem xét lại vụ kiện liên quan đến thuật toán công nghệ, bao gồm các công ty công nghệ lớn như Meta, Twitter và Microsoft tham gia, đã được gửi lên Tòa án tối cao Mỹ.

Ngoài ra còn có một số nhà phê bình có tiếng nói nhất của Big Tech, như ứng dụng Yelp và nhóm quyền kỹ thuật số quốc tế Electronic Frontier Foundation. Bên cạnh đó là mạng cộng đồng Reddit và nhóm tình nguyện điều hành Reddit.

Trong hồ sơ gửi tới tòa án, các công ty, tổ chức và cá nhân cho biết mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp rất quan trọng đối với chức năng cơ bản của web. Mục 230 được sử dụng để bảo vệ tất cả các trang web - không chỉ các nền tảng truyền thông xã hội - khỏi các vụ kiện về nội dung của bên thứ ba.

Các công ty lập luận rằng mục 230 ngăn cản các vụ kiện tụng như vụ của gia đình Nohemi Gonzallez, theo Đài CNN.

The New York Times vừa thông tin Tòa án tối cao Mỹ sẵn sàng xem xét lại các quy tắc của vụ kiện vào tháng 2-2023.

Các Big Tech nói gì?

Trong hồ sơ của họ, mạng cộng đồng Reddit và người điều hành lập luận: Phán quyết cho phép kiện tụng chống lại các thuật toán của ngành công nghệ có thể dẫn đến nhiều vụ kiện trong tương lai. Ai đó có thể chống lại các hình thức thậm chí không phải thuật toán và có khả năng nhắm mục tiêu chống lại cả người dùng Internet cá nhân.

Ứng dụng Yelp, một đối thủ lâu năm của Google, nói rằng hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc cung cấp các bài đánh giá có liên quan cho người dùng. Như vậy, các phán quyết tạo ra trách nhiệm pháp lý đối với các thuật toán có thể phá vỡ các chức năng cốt lõi của Yelp. Đồng thời, có thể buộc Yelp ngừng quản lý tất cả các bài đánh giá một cách hiệu quả.

Twitter lập luận rằng mục 230 đảm bảo các nền tảng có thể kiểm duyệt nội dung để cung cấp dữ liệu phù hợp nhất cho người dùng trong số lượng thông tin khổng lồ được thêm vào Internet mỗi ngày.

“Nhiều dịch vụ sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý đối với hầu như tất cả nội dung của bên thứ ba mà họ lưu trữ”, Meta viết trong hồ sơ.

Microsoft cũng cho biết các nền tảng công nghệ có thể bị kiện vì các thuật toán đề xuất của họ sẽ gây nguy hiểm cho GitHub - kho lưu trữ mã trực tuyến rộng lớn được hàng triệu lập trình viên sử dụng.

Theo Trung tâm kinh doanh và nhân quyền Stern của Đại học New York, nếu kiến nghị của mình không được xem xét, các nền tảng xã hội có thể sẽ xóa phần lớn nội dung của bên thứ ba hoặc không còn cung cấp lượng lớn nội dung của người dùng trên nền tảng của họ.

"Trong bất kỳ tình huống nào, quyền tự do ngôn luận có giá trị sẽ biến mất”, trung tâm trên nhận xét.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/meta-twitter-microsoft-kien-nghi-toa-an-xem-lai-vu-kien-chong-thuat-toan-cong-nghe-a10976.html