Dịch vụ thu phí tự động không dừng được áp dụng tại các trạm thu phí trong cả nước đã mang lại nhiều lợi ích, khắc phục những hạn chế của thu phí một dừng truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành không tránh khỏi các lỗi do chủ quan của chủ phương tiện và khách quan của hệ thống, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của tài xế.
Đảm bảo khoảng cách, tốc độ để hệ thống nhận diện
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí VETC cho biết lỗi thường gặp nhất hiện nay đó là khi di chuyển qua làn thu phí không dừng, nhiều tài xế chủ quan không giảm tốc độ và không giữ đúng khoảng cách an toàn.
"Nhiều tài xế bám sát theo đuôi xe phía trước, khiến tầm nhìn bị che khuất và hệ thống không thể nhận diện được thẻ của phương tiện, dẫn đến barrier không mở, hoặc đang di chuyển thì barrier đóng lại. Tình trạng này đã khiến nhiều trường hợp bị hỏng kính khi barrier không đóng, mở kịp thời", ông Vinh cho hay.
Để tránh xảy ra tình trạng lỗi như trên, khi qua làn ETC các tài xế cần đảm bảo khoảng cách và tốc độ phù hợp để hệ thống nhận diện thẻ đầu cuối. Khoảng cách hợp lý được quy định tại mỗi trạm thu phí với tốc độ duy trì tối đa 40km/h. Khi thấy biển điện tử phía trước hiển thị biển số xe của phương tiện, đèn bật xanh thì di chuyển xe ra khỏi làn.
Nếu tài khoản trừ tiền và barrie không mở?
Hệ thống thu phí không dừng có thể gặp trục trặc khi trừ tiền trong tài khoản ETC của khách hàng. Nếu gặp phải tình trạng này, các tài xế cần lưu ý không thanh toán tiền mặt khi lưu thông qua trạm thu phí không dừng ETC. Lý do bởi các nhà cung cấp dịch vụ ePass và VETC đã thống nhất trừ tiền offline (trừ tiền sau), sau khi hệ thống được hiệu chỉnh và vận hành bình thường.
Ông Hồ Trọng Vinh cho biết nếu tài khoản đã trừ tiền và barrier không tự động mở, tài xế có thể cung cấp cho nhân viên tin nhắn hoặc thông báo trừ tiền và yêu cầu nhân viên vận hành tại trạm kiểm tra, mở barrier cho xe qua, tuyệt đối không thanh toán tiền mặt để tránh bị trừ tiền không hợp lý.
Chú ý vị trí dán và bảo quản thẻ ETC
Đối với các loại thẻ dán trong kính, người lái không nên dán film cách nhiệt để tránh trường hợp thiết bị ở trạm thu phí không đọc được mã định danh.
Trong khi đó, đối với loại thẻ dán ở đèn trước, chủ xe nên chú ý các tác động từ bên ngoài đến thẻ ETC như: Mưa, nắng, rửa xe... cũng như tìm đúng vị trí để dán. Một số xe với thẻ dán từ lâu nhưng không dùng có thể bị suy giảm chất lượng.
Biển số giả, trừ tiền thật?
Trường hợp giả biển số xe khiến biển số xe thật không qua trạm thu phí nhưng vẫn phải trả tiền đã khiến nhiều tài xế bức xúc.
VETC khuyến cáo: Tài xế cần ngay lập tức liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Các nhà cung cấp dịch vụ có nhiệm vụ hỗ trợ, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu hình ảnh xe qua trạm và hồ sơ của khách hàng cung cấp khi đăng ký dịch vụ. Nếu phát hiện sai sót, chủ tài khoản sẽ được hoàn trả lại số tiền đã bị trừ.
"Các trường hợp sử dụng biển số giả để qua trạm, nhà cung cấp dịch vụ ETC sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục CSGT và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Để tránh bị xử phạt khi đi qua các trạm thu phí không dừng, người điều khiển phương tiện cần lưu ý đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, dán thẻ đầu cuối tại các điểm cung cấp dịch vụ hoặc trạm thu phí gần nhất", ông Vinh nói.
Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam cho hay chủ phương tiện kiểm tra số dư trong tài khoản bằng cách đăng nhập ứng dụng ePass trên di động hoặc trên website để kiểm tra hoặc gọi tổng đài chăm sóc khách hàng 19009080.
Kiểm tra số dư tài khoản
Để lưu thông trong những ngày Tết Nguyên đán được thuận lợi, không gây ùn tắc tại các trạm thu phí, trước mỗi chuyến đi, chủ phương tiện cần kiểm tra số dư trong tài khoản giao thông, đảm bảo đủ số tiền cho quãng đường mình di chuyển.
Trong trường hợp khách hàng không dùng điện thoại muốn nạp tiền vào tài khoản giao thông có thể nộp tiền mặt tại quầy của VETC và tại các ngân hàng.
Trong trường hợp khách hàng dùng điện thoại thông minh thì tải app của VETC, dùng app này để chuyển tiền vào tài khoản giao thông. Trường hợp không tải app của VETC, có thể dùng app (phần mềm) của ngân hàng dùng internet banking để nạp tiền vào tài khoản giao thông.
Để khách hàng theo dõi được số dư trong tài khoản, nếu khách hàng dùng app của VETC thì trên app này đã quản lý được các giao dịch, bao nhiêu lần đi qua trạm, trong tài khoản còn bao nhiêu tiền. Mỗi lần chủ phương tiện qua trạm app sẽ báo số tiền đã trừ, số tiền còn trong tài khoản.
Đề cập đến dịch vụ thông báo biến động số tiền trong tài khoản giao thông, ông Vinh cho biết, trước đây, VETC cũng mặc định đăng dịch vụ này để thông báo cho khách hàng. Tuy nhiên, do phải mất phí cho nhà mạng, khách hành phàn nàn nên VETC đã cắt dịch vụ này cho các khách hàng muốn hủy dịch vụ. Nếu khách hàng muốn dùng dịch vụ này, phải đăng ký dịch vụ SMS qua app và trả phí cho nhà mạng, VETC không thu loại phí này.
Những trường hợp đi đến trạm mới biết tài khoản không còn tiền là do khách hàng không kiểm tra tài khoản trước khi lưu thông. Nếu không phát sinh giao dịch qua trạm, app sẽ không báo tin nhắn về thông tin tài khoản.
VETC khuyến cáo chủ phương tiện cần chủ động kiểm tra số dư tài khoản trước khi đi qua các trạm thu phí để lưu thông được thuận lợi.
Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam cho hay, chủ phương tiện sử dụng thẻ ePass kiểm tra số dư trong tài khoản bằng cách khách hàng đăng nhập ứng dụng ePass trên di động hoặc trên website của ePass để kiểm tra hoặc gọi tổng đài chăm sóc khách hàng 19009080.
Đánh giá về kết quả triển khai thu phí không dừng, Bộ GTVT cho biết, đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được lắp đặt, vận hành đồng bộ trên toàn quốc đáp ứng tiến độ và yêu cầu của xã hội.
Trong quá trình tổ chức vận hành hệ thống một trong những bất cập gây ùn tắc, mất an toàn tại các trạm thu phí là trường hợp các phương tiện không đủ điều kiện như chưa dán thẻ hoặc đã dán nhưng tài khoản giao thông không đủ tiền đi nhầm vào làn thu phí không dừng.
Nhận thức được tồn tại, bất cập này, Bộ GTVT đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, áp dụng nhiều hình thức thông báo số dư tài khoản giao thông trước và sau khi các phương tiện qua trạm thu phí thông qua hệ thống tin nhắn, Zalo và phần mềm thu phí không dừng trên điện thoại và áp dụng các chế tài xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Sau khi triển khai các giải pháp trên, tình trạng phương tiện đi sai làn được cải thiện đáng kể, phát huy tốt hiệu quả của hệ thống.
Trong thời gian tới, để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ hoàn thiện hệ thống, tăng cường tuyên truyền, áp dụng nhiều giải pháp thông báo kịp thời tới chủ các phương tiện trong trường hợp tài khoản không đủ số dư trước và sau khi qua trạm thu phí không dừng.