Bùng nổ thanh toán qua mã QR

Xu hướng thanh toán trong năm 2023 được dự báo các phương thức thanh toán mới nở rộ, trong đó có quét mã QR

Cận Tết, nhu cầu thanh toán mua sắm hàng hóa, dịch vụ của người dân; cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trả lương cho cán bộ nhân viên, người lao động… tăng cao. Các kênh giao dịch, thanh toán không tiền mặt ngày càng được ưa chuộng, các ngân hàng (NH) thương mại, ví điện tử, công ty fintech đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản phẩm để thúc đẩy thanh toán online.

Tận dụng hạ tầng công nghệ có sẵn, chi phí thấp

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng ở các trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi cà phê, nhà hàng, nhà sách, khu vui chơi… các nhân viên giao dịch cho biết rất nhiều khách hàng chọn thanh toán online, trong đó phổ biến là dùng thẻ thanh toán, quét mã QR qua ứng dụng di động hoặc ví điện tử, chuyển khoản.

Doanh số thanh toán của thẻ tại nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ cũng tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Nhiều NH thương mại, ví điện tử cho hay doanh số giao dịch qua các kênh thanh toán không tiền mặt vẫn duy trì ở mức cao, thậm chí cao hơn giai đoạn COVID-19. Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo), nền tảng thanh toán Payoo trong năm 2022 ghi nhận sự gia tăng các giao dịch thanh toán không tiền mặt ở giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Đặc biệt là các phương thức thanh toán mới như ví điện tử hay quét mã QR có sự tăng trưởng đáng kể. Các hình thức thanh toán không tiền mặt sẽ bùng nổ gấp nhiều lần so với năm 2022, trong đó có mã QR.

"Doanh nghiệp sẵn sàng về hạ tầng cùng với chi phí đầu tư thấp, mang lại sự tiện lợi cho người dân khi thanh toán. Phương thức nổi trội đáp ứng được các yếu tố trên và nhiều khả năng bùng nổ cao trong năm sau là thanh toán bằng mã QR. Với một chiếc điện thoại di động trên tay, họ có thể mở ứng dụng NH hoặc ví điện tử để chọn nguồn tiền quét mã và dễ thanh toán" - ông Ngô Trung Lĩnh nhận định.

Thanh toán QR cũng vươn tầm ra khỏi quốc gia khi vừa qua, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX) đã công bố hoàn thành kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR. Trong giai đoạn đầu triển khai dự án này, du khách Thái Lan có thể quét mã VietQR để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thanh toán của TPBank và BIDV. Du khách Việt Nam là khách hàng của TPBank và Sacombank có thể quét mã ThaiQR tại gần 8 triệu điểm chấp nhận thanh toán tại Thái Lan… Trong năm 2023, NAPAS sẽ tiếp tục hợp tác với NITMX để mở rộng các NH thành viên nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách hai nước.

Tỉ lệ giao dịch tăng cao

Việt Nam là nước có mức độ ứng dụng NH số nhanh thuộc top đầu trong khu vực và NH được đánh giá là ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất. Thị trường NH số ở Việt Nam có nhiều triển vọng trong tương lai gần bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố về nhân khẩu học, thói quen sử dụng dịch vụ NH, sự thích ứng và chuyển biến nhanh chóng của hệ thống NH và chính sách của cơ quan quản lý.

Số liệu tại các NH thương mại cho thấy số lượng và giá trị thanh toán qua các kênh không tiền mặt tăng lên nhanh chóng. Tại NH TMCP quốc tế (VIB), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch qua NH số tại VIB tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 93% giao dịch qua kênh số - là NH có tỉ trọng giao dịch qua kênh số cao tốp đầu ngành. Số lượng giao dịch trên các kênh số luôn tăng gấp đôi qua các năm. NH TMCP Quân đội (MB) trong 5 năm qua, đã đẩy mạnh các dịch vụ, sản phẩm trên kênh số. Nền tảng số BIZ MBBank (dành cho doanh nghiệp) hiện có hơn 200.000 người dùng (user), với hơn 100.000 user giao dịch thường xuyên - chiếm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Đối với App MBBank, nền tảng này đang phục vụ khoảng 20 triệu khách hàng cá nhân, trong đó giao dịch thường xuyên hằng tháng là khoảng 12 triệu. Năm 2022 MB đã đạt 1 tỉ giao dịch trên kênh số, với doanh số giao dịch khoảng 8 triệu tỉ đồng. Hay với ví điện tử MoMo, nếu năm 2019 có 10 triệu khách hàng thì đến nay đã có khoảng 31 triệu người dùng, chiếm khoảng 50% thị phần ví điện tử ở Việt Nam.

Theo định hướng của Chính phủ và NH Nhà nước, đến năm 2030, ít nhất 50% các nghiệp vụ NH cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Các mục tiêu cụ thể này cũng mở ra tiềm năng to lớn cho các NH đẩy mạnh và phát triển dịch vụ số hóa. Đại diện NH Nhà nước cho biết hiện nhiều NH thương mại đã ghi nhận hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Các NH đã ứng dụng công nghệ AI, học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Giao dịch qua internet tăng tương ứng 89,3% và 40,5%; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% và 92,3%; qua phương thức mã QR tăng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng 53,5% và 48,7%; giao dịch qua ATM tăng 13,2% và 14%.

Bà Phạm Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Chiến lược NH số VIB, chia sẻ về công nghệ VIB thực hiện chiến lược hội tụ 3 yếu tố "Mobile first - Cloud first - AI first". "AI first" giúp NH ứng dụng các công nghệ phân tích chuyên sâu, biết được chân dung và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các giải pháp AI với gợi ý về dịch vụ tài chính phù hợp. Chiến lược này thể hiện rõ nét qua ứng dụng MyVIB 2.0 với những tính năng như nhận dạng giọng nói để giao dịch (AI Voice), công nghệ thực tế tăng cường (AR)… VIB hiện phục vụ trên 3 triệu khách hàng và đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 3 lần trong 5 năm tới.

Thị trường tiềm năng cho công nghệ và tài chính - ngân hàng

The báo cáo của McKinsey vào tháng 11-2021, Việt Nam có thể có thêm hàng chục triệu người gia nhập vào hệ thống thanh toán không tiền mặt trong thập kỷ mới. Đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho bán lẻ, công nghệ và tài chính - NH. Theo ông Ngô Trung Lĩnh, sự vươn mình mạnh mẽ của các ứng dụng NH và sự đầu tư đúng mực của nhà nước, các công ty chuyển mạch thanh toán đã tạo ra những công cụ thuận tiện hơn cho thị trường Việt Nam. Hạ tầng thanh toán bằng hình thức QR được đầu tư kỹ lưỡng để khắc phục những hạn chế ban đầu, hỗ trợ giao dịch xuyên suốt với mức chi phí rẻ hơn. Từ đó hoàn thiện và nâng cao tỉ lệ giao dịch thành công. Dựa trên những cơ sở đó, thanh toán QR được kỳ vọng sẽ bùng nổ vào năm 2023.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/bung-no-thanh-toan-qua-ma-qr-a10423.html