Với mục tiêu chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, UBND tỉnh Bình Dương vừa cho ra mắt và vận hành nền tảng số "Ứng dụng Bình Dương số". Thông qua ứng dụng, người dân và doanh nghiệp có thể khai thác và thực hiện thông tin liên quan đến dịch vụ công; phản ánh tình hình an ninh trật tự và đời sống; tiếp nhận thông báo quan trọng, khẩn cấp; thông tin về môi trường; tra cứu thông tin quy hoạch; xem trực tiếp tình hình giao thông tại các tuyến đường...
Ứng dụng này cũng được kỳ vọng sẽ hình thành kênh giao tiếp tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Bình Dương, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, phản ánh kiến nghị, tra cứu và khai thác thông tin dữ liệu do chính quyền cung cấp..., góp phần phục vụ công tác điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ người dân tốt hơn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, nền tảng số "Ứng dụng Bình Dương số" hoàn thành và đi vào vận hành từ sự quyết tâm của các cấp, các ngành của tỉnh trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh Bình Dương.
Để ứng dụng hoạt động ổn định, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tập trung thực hiện giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cài đặt ứng dụng, nhất là tại bộ phận "một cửa" các đơn vị, địa phương, góp phần cung cấp thông tin cho chính quyền tỉnh Bình Dương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Cũng trong những ngày đầu năm 2023, ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh triển khai mô hình điểm khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện khai báo lưu trú và xác thực định danh điện tử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Việc chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị làm mẫu, làm điểm cho các đơn vị y tế khác trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đã đề ra theo kế hoạch "45 ngày đêm" thực hiện các nhiệm vụ của đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho hay, thời gian tới, ngành Y tế đặt mục tiêu nhân rộng tiện ích này tới các đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến huyện, thị xã, tuyến cơ sở, phấn đấu 100% cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế bảo hiểm y tế. "Ngành Y tế tỉnh Bình Dương quyết tâm triển khai nhanh số hóa giúp việc xây dựng thành công mô hình bệnh viện thông minh trong thời gian ngắn nhất", ông Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh.
Điểm nổi bật trong quá trình số hóa của tỉnh Bình Dương là công tác số hóa hộ tịch đã vượt tiến độ đề ra. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong cao điểm "45 ngày đêm" nỗ lực, tỉnh Bình Dương đã số hóa được hơn 930.000 hồ sơ hộ tịch, đạt tỷ lệ 100%, vượt tiến độ đề ra trước 18 ngày, giảm chi phí thuê máy, tiết kiệm được hơn 45% ngân sách nhà nước. Qua đó, thuận lợi cho công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với những kết quả trên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Tuấn Anh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, chính quyền số đạt 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và xã được xử lý trên môi trường mạng internet; phát triển kinh tế số chiếm 20% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); phát triển xã hội số có dân số trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh đạt 80%; hạ tầng mạng internet băng rộng cáp quang, 5G phủ trên 95% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tập trung số hóa trong các ngành dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, logistics… để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.